Hublot big bang cú nổ lớn vươn tới đỉnh cao
Đa số những dòng đồng hồ nổi tiếng đều gắn liền với tên thương hiệu của mình. Ngoại trừ “Big Bang”, chiếc đồng hồ duy nhất có khả năng khơi dậy đam mê của bất cứ người yêu đồng hồ nào chỉ với hai âm tiết. Big Bang được coi như cột mốc góp phần hình thành nên thế giới đồng hồ đương đại, với sự ra đời gắn liền tới cú bứt phá ngoạn mục của Hublot.
Sẽ không quá lời khi nói mỗi người sử hữu Hublot Big Bang là đang lưu giữ một cuộc cách mạng của ngành đồng hồ đương đại trên tay. Big Bang chính là hiện thân hoàn hảo của triết lý “Art of Fusion”, một trong những biểu tượng luôn xuất hiện trong mỗi cuộc hội thoại về đồng hồ ngày nay.
Tại sao lại là Big Bang?
Khi Carlo Crocco đang ấp ủ sự ra đời của Hublot vào khoảng cuối thập niên 70s, trong đồng ông đã hình dung ra một cuộc cách mạng. Từ bộ vỏ mang hình dáng của ô cửa sổ trên tàu biển (đây cũng chính là ý nghĩa của cái tên Hublot trong tiếng Pháp), cho tới những chi tiết trên mặt số, tất cả đã nằm trong đầu của thương nhân người Ý. Tất cả, ngoài trừ 1 chi tiết: bộ dây của chiếc đồng hồ. Từ đây dẫn đến một câu chuyện mà đã hình thành nên biểu tượng Hublot Big Bang trong thế giới đồng hồ đương đại gần nửa thế kỉ sau: nghệ thuật hợp nhất và tiên phong trong chất liệu.
Carlo Crocco đã nghiên cứu rất nhiều các chất liệu khác nhau cho bộ dây của Hublot, nhưng không thể tìm được một giải đáp cho mong muốn của mình. Tất cả những bức phác họa của ông về bộ dây đều là những tấm màu đen tuyền, đơn giản vì không có một chất liệu nào thời ấy phù hợp với tầm nhìn của ông. Thú vị thay, Carlo ngày càng thích thú với tấm dây màu đen trên bản vẽ đó, và chất liệu duy nhất tạo ra được hiệu ứng như vậy là cao su – thứ chất liệu chưa từng được kết hợp với kim loại cao cấp trong đồng hồ. Nhưng ở chất liệu tưởng chừng như tầm thường này có một vấn đề lớn mà ít người hay biết: nó rất khó để sản xuất, và cần tới 2 năm trời cùng một đội ngũ những chuyên gia hàng đầu để có thể biến ý tưởng này thành hiện thực. Nhưng Carlo rất quyết tâm, và năm 1980, Hublot ra đời với những chiếc đồng hồ dây cao su đầu tiên trên thế giới. Bộ dây cao su đó chính là hiện thân đầu tiên của triết lý “Art of Fusion” ở hai điểm: sự kết hợp chưa từng có tiền lệ giữa cao su và vàng, và để gắn bộ dây đó với vỏ đồng hồ cần sự trợ giúp của những tấm kim loại cố định lại.
Quay ngược lại với năm 2004 của thế kỉ 21, thời điểm mà thiên tài Jean-Claude Biver chính thức về với Hublot, với sứ mệnh đưa Hublot bước sang một trang mới trong lịch sử thương hiệu. Ngài quyết định trở về với cội nguồn của Hublot, đó chính là là triết lý tiên phong trong sử dụng vật liệu, và bắt đầu dùng toàn bộ khả năng của mình để mang triết lý và concept này lên một tầm cao mới. Kết quả trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử thế giới đồng hồ: tại Baselworld 2005, “hiện tượng” Hublot Big Bang được ra mắt.
Năm 2005 là một năm có nhiều làn sóng mới trong ngành chế tác. Ý niệm về kích thước oversized và những thiết kế phi truyền thống đang ngày một lớn dần, và Hublot Big Bang ra đời như một cú hích không thể tuyệt vời hơn. Đó là chiếc đồng hồ rất “Hublot”, và mọi chi tiết đều được “tailor made” để kết hợp lên một thiết kế chưa từng có tiền lệ: một chiếc đồng hồ 44,5mm với mặt số carbon, lớp vỏ kim loại sandwich 5, vòng bezel Ceramic với 6 chiếc vít hình chữ H, kết hợp cùng dây cao su. Ngay lập tức Big Bang đoạt giải Best Design của Grand Prix d’Horlogerie de Genève năm đó, mở ra một thế giới mới cho thương hiệu đồng hồ trẻ tuổi.
Đó là câu chuyện của hơn một thập kỉ trước, và ngày nay Big Bang là một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong ngành chế tác.. Vậy tại sao lại là Big Bang? Cái tên này xuất phát từ ý tưởng của cá nhân ngài Biver. Big Bang là cú nổ lớn khai sinh ra vũ trụ. Đối với ngài Biver, Hublot Big Bang giống như một cú nổ để tạo một thế giới, mà nói cách khác là một kỉ nguyên mới cho không chỉ cái tên Hublot, mà còn cho cả ngành đồng hồ đương đại. Từ một tầm nhìn tham vọng và thiên tài, chỉ sau 2 năm kể từ Big Bang, ngài Biver đưa Hublot lớn mạnh gấp đôi, với lễ khánh thành của nhà máy đầu tiên vào năm 2007. Trong 3 năm kể từ Big Bang, doanh thu của Hublot tăng gấp 8 lần CHF 25 triệu thành CHF 200 triệu.
Hiện thân của “Art of Fusion” – Nghệ thuật hợp nhất trên mọi khía cạnh
“Art of Fusion” là linh hồn của Hublot. Đó là quá trình không ngừng nghỉ trong việc sáng tạo: sáng tạo trên con đường phát triển, sáng tạo trong thiết kế, sáng tạo trong bộ chuyển động, sáng tạo trong việc kết hợp các chất liệu và thậm chí là sáng tạo cả về chất liệu. Chúng ta đang nói tới những chất liệu như King Gold – loại vàng chống Oxy hóa, hay Magic Gold – chất liệu vàng chống xước nhờ được pha với ceramic, hay nghiên cứu tạo màu cho Sapphire – chất liệu mới thuộc họ kim cương có cấu thành siêu phức tạp.
Ông Ricardo Guadalupe – CEO của Hublot đã từng chia sẻ rằng: “Nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên “Art of Fusion” và Big Bang sẽ luôn luôn là sự ứng dụng những công nghệ mới và những chất liệu khác thường nhất”. Trên thực tế, những thành tựu của Hublot đều là những sáng tạo chưa từng thấy, hoặc chưa từng có thương hiệu nào ứng dụng, bất chấp rủi ro mạo hiểm. Hãy lấy ví dụ với chiếc Big Bang Evolution “Ice Bang” với vòng bezel có chất liệu vô cùng đặc biệt: Tungsten (hay còn gọi với tên quen thuộc hơn là Volfram). Tungsten là hợp kim chịu nhiệt tốt nhất thế giới, là vật liệu rất quen thuộc trong ứng dụng thường nhật như dây tóc bóng điện, trong các ống X-quang và trong chế tạo các siêu hợp kim. Nhưng tungsten vô cùng hiếm khi xuất hiện trong ngành chế tác, chưa nói tới việc kết hợp hợp kim bền bỉ này với chất liệu đương đại như Ceramic.
“Art of Fusion” không chỉ có sự kết hợp giữa các vật liệu, mà yếu tố thiết kế vẫn luôn là một trong những nguyên liệu vô cùng quan trọng cho công thức thành công của Big Bang. Nổi tiếng với sự tiên phong của mặt đồng hồ đen phủ sợi carbon, song Big Bang vẫn chứng minh được sức hấp dẫn tuyệt đối với những sắc màu như trắng hay xanh nước biển. Trắng không phải là màu sắc xa lạ trong thế giới đồng hồ, thậm chí còn là màu sắc phổ biển nhất trên mặt số. Nhưng đối với Big Bang, mọi thứ đều phải thật khác biệt, nhất là khi sự tinh giản vốn có của màu trắng được trải trên bộ case Big Bang “có một không hai” với kích thước 41mm. Hãy thử nghĩ mà xem, sự pha trộn giữa vẻ đẹp thanh lịch trên một kích thước oversized!
Xanh dương từ xưa đến nay vốn là màu sắc khéo léo tôn lên sự ấn tượng mà không hề phô trương. Bắt nguồn từ khoảng 50 năm trước trên mặt số của những chiếc đồng hồ lặn, màu xanh được sử dụng để trở nên thuận tiện hơn dưới mắt nước. Dần dần, giới sưu tập hình thành quan niệm “blue is the new black”, tức là đối với họ, màu xanh có tính ứng dụng và vẻ đẹp không thua gì mặt số đen vốn đã quen thuộc, và thậm chí còn có sức hấp dẫn và đương đại hơn bởi tính thẩm mỹ khi kết hợp với các chất liệu như vàng, thép, hay các sắc màu hấp dẫn như đỏ và ghi.
Và đã là “Art of Fusion” thì không thể thiếu khía cạnh “Fusion” với những môn nghệ thuật bên ngoài thế giới chế tác. Dù là nghệ thuật, âm nhạc hay thể thao, những chiếc Big Bang đều đưa Hublot vươn ra tới những tệp khách hàng nhỏ và tinh tế hơn. Hãy lấy ví dụ với Hublot Big Bang Chelsea FC – chiếc đồng hồ vinh danh The Blues, thiết kế đặc biệt dành riêng cho fan “cứng” của đội bóng với số lượng giới hạn chỉ 200 chiếc trên thế giới. Sự “fusion” thú vị này được chế tác dựa trên thiết kế Big Bang 44mm trứ danh của thương hiệu, nổi bật với sắc màu xanh dương đặc trưng của đội tuyển Chelsea.
Sẽ không sai khi nói rằng, vài chục năm nữa những chiếc Hublot Big Bang vẫn không thể gọi là đồng hồ “vintage”. Từ carbon cho tới vàng, ceramic và thép, thậm chí cả denim, sapphire, lông cừu hay thêu lụa, những chiếc Big Bang đương đại ngày nay tiếp tục khiến giới đồng hồ trầm trồ bởi những sự kết hợp “không thể ngờ tới”. Chưa từng có và cũng sẽ không bao giờ có một chiếc đồng hồ đặc biệt như Big Bang – một “cú nổ” đã đưa cái tên Hublot vươn tới đỉnh cao.