Dây vải đồng hồ thương hiệu Tudor tạo nên sự khác biệt thế nào?
Thương hiệu Tudor vốn đã là cái tên mà giới sưu tập luôn dành một tình cảm đặc biệt bởi tagline borntodare, đó là những bộ dây đeo đặc biệt từ chất liệu vải. Năm 2009, khi hầu hết những thương hiệu Thụy Sĩ xa xỉ vẫn chưa tin vào sự tinh tế của những chiếc dây vải, Tudor đã hoàn toàn chinh phục giới sưu tập bởi những giá trị thực sự ẩn sâu đằng sau tính thẩm mỹ và sự thoải mái đặc biệt của vật liệu thú vị này.
Khi Google cái tên Julien Faure, kết quả sẽ ra ngay một thương hiệu lâu đời chuyên sản xuất những bộ dây đeo đồng hồ xa xỉ bằng chất liệu vải từ những năm 1864. Thế nhưng, để hiểu hết tầm cỡ nhà sản xuất danh tiếng này, hãy nhìn vào danh sách những thương hiệu đỉnh cao đã đồng hành cùng họ bấy lâu nay: Louboutin, Chanel, Dries Van Noten, Dior, Lanvin và còn hơn thế nữa. Điều thú vị hơn cả là, trong danh sách này bạn bắt gặp một thương hiệu không nằm trong lĩnh vực Haute Couture, nhưng lại rất đỗi quen thuộc trong thế giới đồng hồ Tudor.
Kể từ năm 2010, Tudor đã làm một nước đi tuyệt vời khi thêm lựa chọn dây vải đi kèm cho khách hàng trong tất cả những sản phẩm của mình, bắt đầu với mẫu Heritage Chronograph. Và cái tên Julien Faure danh tiếng chính là nhà sản xuất đứng sau những mẫu dây đầy tính thẩm mỹ này.
Hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng Julien Faure chỉ đơn thuần là sản xuất một cuộn dây vải với chất lượng thật tốt, sau đó cắt chúng ra thành nhiều đoạn dây tương ứng rồi khâu phần chốt của những chiếc Tudor vào. Tuy nhiên, giá trị tinh hoa đằng sau sự hợp tác giữa 2 thương hiệu này con hơn thế rất nhiều.
Sẽ không ngoa khi nói rằng những chiếc dây mà Julien Faure sản xuất cho Tudor là một kỳ tích về kỹ thuật. Để đáp ứng được yêu cầu về độ bền, đồng thời về tính thẩm mỹ của dây đeo, những chuyên gia Julien Faure tại Saint-Étienne đã nghiên cứu ra một loại vải mà trong 1cm vải chứa ít nhất tới 500 sợi trên chiều ngang và 90 sợi trên chiều dọc – một mật độ dầy tới kinh ngạc.
Sự tinh tế của những chiếc dây vải Tudor không chỉ dừng lại ở mật độ dầy của chất liệu. Chỉ riêng kẽ hở ở dây để luồn chốt lug qua, Julien Faure đã nghiên cứu kì công để tạo ra một cách dệt hoàn toàn mới, hình thành nên cấu trúc “đường hầm” rất chắc chắn, nổi bật hơn nhiều so với cách khâu vòng quanh chốt lug như các thương hiệu khác thường làm. Kỹ thuật này cũng được áp dụng tương tự với phần chốt khóa và trên từng lỗ xỏ chốt.
Mẫu Black Bay Chronograph với dây vải được dệt tạo hiệu ứng giống với vải denim
Chi tiết “đường hầm” được Julien Faure tỉ mỉ tạo ra dành cho chốt lug (spring bar) chạy qua
Nếu được tận tay cảm nhận và trải nghiệm mẫu Tudor Ranger 2014 với mẫu dây họa tiết camo, bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn với đô phức tạp của những chiếc dây vải đồng hồ mà Julien Faure dành riêng cho Tudor. Mật độ 500 sợi dọc và 90 sợi ngang trên 1cm vải đã nhắc tới phía trên chỉ dành cho những mẫu dây thông thường, còn đối với những thiết kế họa tiết camo thì được kết cấu với mật độ sợi còn dầy hơn thế gấp 4 lần.
Dây camo strap được Julien Faure thiết kế đặc biệt dành cho mẫu Tudor Ranger đang trong quá trình dệt
Chỉ qua những con số trên đã đủ để thấy sự thuyết phục trong kỹ thuật, sự công phu và tỉ mỉ trong quá trình chế tạo những chiếc dây của Tudor như thế nào rồi. Tuy nhiên đến Baselworld 2017, Tudor đã tập hợp 1 nhóm những chuyên gia và nhà thẩm định đồng hồ để hé lộ về chiếc Black Bay Chronograph mới, và thành quả mà họ trình diễn đã khiến mọi người hoàn toàn ấn tượng.
Chiếc Black Bay Chronograph mang diện mạo hoàn toàn khác biệt nhờ bộ dây vải màu xanh với bề mặt tựa như chất liệu denim. Thiết kế Black Bay Chronograph vốn đã được đánh giá rất cao, kèm theo đó là sự thoải mái và độ bền lý tưởng của bộ dây vải, nhưng cái cách mà sợi dây được dệt tạo hiệu ứng denim đã hoàn toàn chinh phục giới chuyên môn. Đây là một thành tựu đáng ngưỡng mộ của Julien Faure, và với xu hướng denim đang dần trở lại khẳng định chỗ đứng của mình, Tudor đang từng bước chinh phục giới sưu tập đồng hồ tinh hoa.
Khung cửi bằng gỗ ở những máy dệt cổ, dung để sản xuất dây cho Tudor
Quay lại thời gian vào tháng 2 năm 2018, với sự cho phép của Tudor, khi tôi có cơ hội được trực tiếp tới thăm xưởng của Julien Faure tại Saint-Étienne, Pháp, nơi chứa đựng 154 năm di sản nghệ thuật dệt vải. Đây chính là lúc mà tôi phần nào hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau những thông số về mật độ sợi đã được nhắc đến ở trên, về những kỹ thuật vải thủ công và sự khác biệt của những sợi dây Tudor so với bất kì thương hiệu nào.
Khi rảo bước qua những hàng khung cửi bằng gỗ lắp trên những máy dệt cổ, có một mẫu dây mà tôi chưa thấy xuất hiện bao giờ đang được hoàn thiện, và tôi biết chắc rằng đây sẽ là mẫu dây mới nhất đi cùng thiết kế đồng hồ sẽ được Tudor cho ra mắt vào Baselworld 2018. Khi nhìn thấy dòng chữ “ranger” đề cạnh chúng, tôi cứ đinh ninh cho rằng mình đã biết rõ mẫu đồng hồ sắp tới mà Tudor ra mắt, nhưng kết quả lại hoàn toàn bất ngờ.
Một thời gian sau, ở Baselworld 2018, tôi mới vỡ ra rằng “ranger” là tên mật được sử dụng cho mẫu Black Bay GMT trong suốt quá trình nghiên cứu và phát triển. Mẫu đồng hồ này, như chúng ta đã biết, được đi kèm với dây vải đen có một sọc đỏ ở chính giữa. Còn mẫu dây có dải vàng là dành cho mẫu Black Bay Fifty-Eight 39mm.
Tại sao Julien Faure và Tudor lại phải tốn công nghiên cứu, phát triển như vậy chỉ để sản xuất ra dây vải đồng hồ, trong khi các thương hiệu khác lại không mảy may chú ý tới chi tiết cũng như độ hoàn thiện của phụ kiện này?
Để trả lời cho câu hỏi trên, hãy nhìn vào giá trị cốt lõi icủa thương hiệu Tudor: luôn cung cấp cho khách hàng chiếc đồng hồ tốt nhất, với những đặc tính và giá trị tốt nhất. Những chiếc dây vải của Tudor càng thể hiện rõ “cái tôi” của thương hiệu, khi vừa gìn giữ những di sản cổ truyền nhưng cùng lúc áp dụng những cải tiến về kĩ thuật công nghệ trong đó. Chính vì vậy, Tudor và đối tác hoàn hảo của họ – Julien Faure, đã cùng nhau kết hợp và sản xuất ra những mẫu dây đồng hồ không giống với bất kỳ thương hiệu nào và vượt ra ngoài những định nghĩa, hiểu biết xưa cũ của chúng ta về món phụ kiện của đồng hồ mà ít ai để ý tới.