Hublot và hành trình sáng tạo những vật liệu tiên phong
“Be the first, be unique, be different” – “Đầu tiên, duy nhất và khác biệt”. Đây luôn là triết lí mà Hublot theo đuổi và gây dựng nên danh tiếng của mình trong vài thập kỉ trên một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt như ngành đồng hồ cao cấp. Trọng tâm của tôn chỉ này thể hiện sự gắn kết với “Nghệ thuật hợp nhất” (The Art of Fusion), điều mà Hublot đã áp dụng từ năm 1980 khi ra mắt mẫu đồng hồ đầu tiên kết hợp giữa chất liệu vàng và cao su.
Năm 2004, khi ngài Jean-Claude Biver cùng CEO Ricardo Guadalupe đến và dẫn dắt thương hiệu, The Art of Fusion đã trở thành một tinh thần xuyên suốt của Hublot, kết hợp nghệ thuật chế tác đồng hồ truyền thống cùng những công nghệ tiên tiến nhất và các chất liệu tiên phong. Tham vọng của Hublot được thể hiện rõ qua việc xây dựng nhà máy mới tại Nyon với diện tích lên đến 6000m2, cho thấy thương hiệu sẵn sàng thách thức mọi giới hạn sáng tạo. Ngay khi bước chân vào nhà máy của Hublot, chúng ta có thể hiểu được tại sao sáng tạo nên những vật liệu mới lại trở thành DNA của thương hiệu.
“Chúng tôi không cố gắng để phá vỡ truyền thống, những gì chúng tôi đang thực hiện như một sự vinh danh bằng việc kết hợp quá khứ và tương lai. Sức mạnh của Hublot nằm ở chính khả năng đổi mới và sáng tạo của mình. Tại Hublot, chúng tôi đến với khách hàng thay vì đợi họ đến với chúng tôi” – CEO Ricardo Guadalupe chia sẻ về chiến lược của Hublot.
5 Vật liệu tiên phong của thương hiệu Hublot
Vật liệu Magic Gold
Một trong những chất liệu gây tiếng vang cho Hublot phải kể đến Magic Gold – loại vàng chống xước nổi tiếng được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2011 và được áp dụng trên mẫu Hublot Big Bang Ferrari tại triển lãm Baselword 2012. Với các loại vàng 18k thông thường, nguyên liệu để tạo nên từ 75% là vàng, 25% còn lại là các loại kim như Nickel, Platinum hay đồng, v.v.. Tuy nhiên, ở Magic Gold, sau nhiều năm nghiên cứu, các kỹ sư của Hublot đã sáng tạo ra công thức mới, thay thế 25% thành phần còn lại bằng Boron Carbide (một loại hợp chất carbon ceramic siêu cứng).
Kết quả đạt được là loại vàng 18k với khả năng chống xước, sở hữu độ cứng xấp xỉ 1000 vickers, gấp hơn 2 lần vàng 18k ( độ cứng đạt 400 vickers), thép (600 vickers) và gần như chỉ có kim cương mới có thể làm trầy xước nó. Sự thành công của việc tạo nên Magic Gold không chỉ thể hiện đam mê sáng tạo của thương hiệu mà còn trở thành tiền đề để Hublot tiếp tục đầu tư manh mẽ trong việc nghiên cứu và phát triển các chất liệu mới.
Vật liệu Sapphire
Những kiến thức lĩnh hội được trong quá trình chinh phục Magic Gold đã giúp Hublot làm chủ những cỗ máy đặc biệt và cắt laser các vật liệu siêu cứng, qua đó áp dụng vào việc chế tác Sapphire. Có thể khẳng định, Sapphire chính là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay, tuy đem lại niềm vui tận hưởng 360 độ cỗ máy cơ khí nhưng lại là đầu bài hóc búa cho những nhà làm đồng hồ đương đại khi là vật liệu vô cùng khó chế tác do độ cứng cao, tỉ lệ chế tác thành công rất thấp dẫn đến chi phí sản xuất cũng rất cao.
Trong nhiều năm qua, giá thành cao và số lượng sản xuất rất hạn chế là nguyên nhân ngăn cách nhiều người yêu đồng hồ đến với Sapphire. Với triết lí “The first, The Only one, 100% different, Hublot là một trong số rất ít thương hiệu dám đương đầu thách thức đó. “Đã phải mất đến 20 năm và hàng triệu franc Thụy Sĩ cho việc đầu tư máy móc để nghiên cứu và phát triển cách để tạo ra những bộ phận từ Sapphire ở mức giá hợp lí nhất” – CEO Ricardo Guadalupe của Hublot cho biết.
Thể hiện sự tự tin với việc chế tác những chiếc đồng hồ Sapphire, Hublot tiến thêm một bước nữa trên chặng đường chinh phục chất liệu với việc giới thiệu những phiên bản Sapphire sắc màu.
Vật liệu Carbon
Sở hữu trọng lượng chỉ bằng một nửa của nhôm nhưng cứng hơn gấp 3 lần, sợi carbon có tỉ lệ sức mạnh trên trọng lượng cao nhất so với bất kì chất liệu nào, do đó Carbon đã và đang trở thành một trong những chất liệu được các thương hiệu đồng hồ cao cấp sử dụng, thay thế cho nhiều chất liệu truyền thống và Hublot không phải là ngoại lệ. Bên cạnh việc sử dụng Carbon thuần túy cho các bộ sưu tập của mình thì việc tìm tòi và kết hợp cùng các chất liệu khách vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của thương hiệu.
Kết hợp từ những mảnh đá nhỏ có cấu trúc như đá granit được tìm thấy tại dãy núi Alps nổi tiếng ở Thụy Sĩ, Hublot đã tạo nên chất liệu frosted carbon và sử dụng cho hai mẫu đồng hồ đặc biệt này. Đây cũng là mẫu đồng hồ đầu tiên được Hublot sử dụng chất liệu sở hữu tính chất nhẹ và có độ cứng tốt này.
Ngoài phần vỏ từ Frosted Carbon, Hublot Big Bang One Click Alps phiên bản 39mm được tô điểm thêm với 42 viên kim cương đính trên viền bezel, với tổng trọng lượng 1.00 carat. Bên cạnh đó, mặt đồng hồ cũng được đính 11 viên kim cương, thay cho những vạch chỉ giờ trên những phiên bản thông thường.
Vật liệu Ceramic và Tungsten
Kể từ khi ra mắt cho đến nay, Big Bang vẫn là bộ sưu tập nổi bật, mang đậm tinh thần, DNA của Hublot nhất. Nhờ thiết kế sandwich 5 lớp, Big Bang là một “sân chơi” tuyệt vời để thương hiệu Hublot kết hợp những chất liệu khác nhau trên cùng một mẫu đồng hồ, tạo ra những phiên bản vô cùng độc đáo.
Ice Bang là một trong những mẫu đồng hồ mang chất liệu đặc biệt của thương hiệu, sở hữu lớp vỏ bằng Ceramic đen được hoàn thiện Microblasted. Ceramic là vật liệu có độ cứng siêu hạng, vượt thép không gỉ từ 3-4 lần nên lớp vỏ đồng hồ Ice Bang có khả năng chống xước tốt. Bên cạnh đó, Ceramic có khối lượng rất nhẹ (khối lượng riêng là khoảng 3g/cc, nhẹ hơn nhiều so với thép không gỉ (8g/cc) và titanium (4.5g/cc) nên dù có kích thước 44mm nhưng Ice Bang đem lại cảm giác vô cùng thoải mái trên cổ tay người đeo.
Điểm đặc biệt nhất của chiếc Ice Bang này có lẽ nằm ở phần viền bezel khi được chế tác từ chất liệu Tungsten với màu xám ấn tượng. Tungsten (trong tiếng Việt là Vonfam) là một kim loại nổi tiếng về độ cứng và là kim loại có nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong số các kim loại nguyên chất (và chỉ xếp sau Carbon trong tất cả các vật liệu). Một vật liệu hiếm khi xuất hiện trong ngành chế tác đồng hồ!
Vật liệu Ceramic màu
Khi mà Ceramic trở thành một chất liệu quen thuộc trong ngành chế tác đồng hồ, Hublot tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu nhằm phát kiến ra những biến thể mới của vậy liệu này. Thành công mới nhất của Hublot chính là việc tạo ra chất liệu Ceramic màu.
Chia sẻ về quá trình tạo màu cho Ceramic, các kĩ sư của Hublot cho biết: “Khi Zircon (ceramic) được làm nóng ở nhiệt độ hơn 2000 độ C, màu sắc của chúng sẽ mờ dần. Màu đỏ sẽ trở thành màu nâu hoặc màu cam. Chúng tôi đã tìm ra phương pháp để làm nóng ở mức nhiệt độ thấp hơn với mục đích giữ nguyên được ba sắc tố màu chính luôn tươi sáng, điều đó cũng có nghĩa rằng chúng tôi có thể kết hợp được bất kì màu sắc nào”.
Được nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ R&D của Hublot và sản xuất khép kín ngay tại nhà máy của mình, đây là lần đầu tiên chất liệu Red Ceramic được chế tạo và đã được cấp bằng sáng chế.
Việc tạo nên Red Ceramic không chỉ thể hiện sự sáng tạo về mặt chất liệu và cả quá trình tạo nên chúng. Bộ phận R&D của Hublot cùng phòng nghiên cứu Metallurgy & Materials đã thành công trong việc tạo nên công thức này. Hublot cũng đã phải mất 4 năm để có thể đưa ý tưởng này từ trên bàn giấy trở thành hiện thực, và giờ đây có thể chế tác mọi bộ phận của đồng hồ với vật liệu đặc biệt này. Không chỉ sở hữu màu sắc nổi bật, loại Ceramic mới còn có độ cứng lên đến 1500 HV1 so với độ cứng 1200 HV2 của chất liệu Ceramic thường.
Trên đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu xuyên suốt quá trình nghiên cứu và sáng tạo những loại vật liệu mới của Hublot, vẫn còn đó rất nhiều chất liệu đã và đang được phát triển,và với triết lí của mình, có thể khẳng định rằng Hublot sẽ không dừng lại mà luôn tiến lên phía trước cùng khát khao sáng tạo của mình.