Vình yêu dành cho nghệ thuật của thương hiệu Hublot
Ra đời từ triết lý “Art of Fusion” huyền thoại của Hublot, chiến dịch “Hublot Loves Art” không chỉ thúc đẩy dòng chảy sáng tạo mà còn đem lại cho người yêu đồng hồ và yêu nghệ thuật những trải nghiệm tổng hoà giữa cái đương thời và tính vĩnh. Chúng ta sẽ tiếp tục điểm qua cách mà Hublot đã chinh phục những “con mọt” nghệ thuật qua sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật chế tác đồng hồ với điêu khắc, văn hóa xăm mình và hội họa đương đại.
Hublot Classic Fusion Enamel Britto – Nghệ thuật đại chúng trên lớp men Champlevé
Không chỉ những cá nhân đam mê Pop Art, mà ngay cả những người thưởng thức nghệ thuật thường nhật một cách thụ động cũng có thể nhận ra ngay những tác phẩm của nghệ nhân người Brazil Romero Britto. Nổi tiếng với những tác phẩm mang màu sắc tươi sáng, rực rỡ, tràn ngập sức sống và sự lạc quan, giới mộ điệu có thể tìm thấy dấu ấn của Britto ở những triển lãm danh tiếng tại hơn 100 nước trên thế giới, và là nghệ sĩ đương thời đầu tiên được trưng bày tại bảo tàng Museo Soumaya. Britto đã từng mang năng lượng tích cực của mình tới nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế như World Cup 2010, World Cup 2014, Olympic Rio 2016. Dấu ấn nghệ thuật của ông cũng được tìm thấy ở rất nhiều thương hiệu nổi danh như Audi, Bently, Coca-Cola, Walt Disney, Evian và đặc biệt là Hublot.
Chiếc Classic Fusion Enamel Britto – hợp tác giữa Hublot và Britto là sự “hợp nhất” giữa nghệ thuật đương đại – Pop Art cùng trường phái lập thể, và thủ công truyền thống – kĩ nghệ tráng men lửa lớn “grand feu”. Bản thân những người nghệ nhân tráng men đều là những nghệ sĩ đỉnh cao, khi mà mỗi tác phẩm “grand feu” enamel đều khó thực hiện vô cùng, không chỉ ở rủi ro, sai số mà còn nằm ở sự bền bỉ và tính kiên trì của mỗi người thợ.
Dưới ảnh hưởng vui nhộn, tươi sáng giàu màu sắc của Britto, các nghệ nhân nhà Hublot đã chọn ra từ tổng thể 250 màu khác nhau ra 12 tinh thể màu đục – những màu tinh tế và nhạy cảm nhất với lò nung. Mỗi màu sắc được tráng lên kim loại qua quá trình nung lên tới 800 độ C, cho tới khi những mảng màu cuối cùng xuất hiện sau nhiều ngày nung. Kết quả mang tới cho chiếc Classic Fusion những mảng màu Pop Art mang tính biểu tượng của Romero Britto trên nền men trạm khắc champlevé tuyệt đẹp. Đây chính là nghệ thuật “fusion” của những thời đại khác nhau, hòa hợp kỹ nghệ thủ công lâu đời với thiết kế hiện đại và tân tiến nhất, và đặc biệt hơn nữa, nó mang hình thái của một tác phẩm Pop Art đương đại.
Hublot x Richard Orlinski – nghệ thuật hợp nhất của đồng hồ và điêu khắc đương đại
Nhắc tới Richard Orlinski là nhắc tới concept “Born Wild” – biến đổi những góc nhìn tiêu cực về động vật thành tình cảm với vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã của muôn loài. Một chú ngựa đang hí, quái thú King Kong đang vỗ ngực phô diễn sức mạnh hay những con sư tự oai vệ, tất cả đều được Richard Orlinski chuyển thể thành những bức tượng điêu khắc đương đại, với phong cách “có một không hai: chơi đùa với màu sắc, hình khối và chất liệu.
Đan kết nhựa trong tổ hợp vô số những màu sắc là phong cách đặc trưng của Orlinski, nhưng ta cũng thấy nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của ông sử dụng tinh thể đá, thủy tinh, nhôm, đá cẩm thạch, đồng, thép hoặc các kim loại có giá trị như vàng. Cách sử dụng màu sắc của Orlinski rất ấn tượng, sặc sỡ với gam màu rực, bởi ông quan niệm rằng không gì có thể thỏa mãn cái tôi của bản thân bằng những điều ít ai ngờ tới nhất. Phong cách riêng biệt này khiến Richard Orlinski trở thành một trong những nghệ sĩ đương đại thành công nhất về mặt thương mại.
“Đây là sự hòa hợp giữa 2 thế giới – giữa thế giới của Hublot nơi kết hợp nhiều chất liệu tân tiến để tạo ra những chiếc đồng hồ “phi thường”, và thế giới của tôi, nơi tồn tại nhiều hình khối và màu sắc ảnh hưởng từ Nghệ thuật đại chúng được thể hiện một cách ngẫu hứng và tự nhiên” – Richard Orlinski chia sẻ về sự hợp tác của ông và Hublot.
Đã từng có nhiều thương hiệu danh tiếng tiếp cận Richard Orlinski, nhưng Hublot là thương hiệu duy nhất dám cùng người nghệ sĩ gạo cội thử nghiệm thiết kế vỏ hoàn toàn mới. Dưới bàn tay thiết kế của Orlinski, bộ vỏ Big Bang 45mm nổi tiếng của Hublot được chuyển hóa thành một tác phẩm điêu khác ba chiều “mini” trên cổ tay. Điêu khắc điêu luyện như Orlinski nhưng phong cách của ông chưa từng được thực hiện trên những chất liệu có độ cứng cao như Ceramic hay Titanium, bởi khác với việc mài giũa đơn thuần như trên vàng hay thép, chúng cần trải qua những công đoạn đúc khuôn và xử lý chất liệu một cách tỉ mỉ.
Vòng bezel với 6 con ốc chữ H đặc trưng của thiết kế Big Bang cũng được cắt thành khối 12 giác khớp với 12 vạch số trên mặt đồng hồ, đem lại hiệu ứng thị giác ấn tượng. Những đường cắt đa góc cũng đồng thời tạo ra các góc phản chiếu ánh sáng khiến chất liệu Titanium tỏa sáng như kim cương, còn với chất liệu Ceramic lại là cảm giác ba chiều đẹp mắt như những “paradox” trong hình học.
Phiên bản giới hạn Hublot Sang Bleu và nghệ sĩ xăm mình Maxime Buchi
Những người Huguenots vốn là người Pháp theo đạo Tin Lành do nhà thần học John Calvin khởi xướng vào khoảng thế kỉ 15 và 16. Do quan điểm bất đồng lên đến đỉnh điểm với các vương triều Công giáo lúc bấy giờ, bản thân ngài Calvin cũng phải tới Geneva lưu vong kéo theo ít nhất nửa triệu người Huguenots di cư. Họ tập trung tài năng vào hai lĩnh vực nghề nghiệp.
Thứ nhất đó là chế tác đồng hồ, một ngành đặc thù tạo ra những cỗ máy thời gian siêu phức tạp. Ngành thứ hai mà những người Huguenots rất giỏi đó là Typography, phát triển tính mĩ thuật của những chữ cái. Thật ngạc nhiên, hơn 200 năm sau nghệ thuật Typography và nghệ thuật chế tác đồng hồ cơ khí cùng tề tựu trong một tác phẩm giữa Hublot và nghệ sĩ Maxime Buchi.
Là một nghệ sĩ dành trọn cơ thể mình cho nghệ thuật, là một người cha mẫu mực của ba đứa trẻ và là một doanh nhân thành đạt, ở Maxime Buchi còn nhiều điều hơn những hình xăm đẹp mắt. Sinh ra tại Lausanne, Thụy Sĩ, Maxime Buchi xuất thân là một nghệ sĩ graffiti đường phố, trước khi những kiến thức về tâm lý học, nghệ thuật, thiết kế đồ họa và Typography đưa anh vào cuộc hành trình từ Zurich tới Paris và cuối cùng là London.
Không chỉ là một nghệ sĩ xăm mình bậc nhất thế giới, sức sáng tạo và thẩm mỹ của Maxime đã đưa anh tới thành công trong nhiều lĩnh vực. Năm 2016, Maxime thành lập công ty của riêng mình mang tên Sang Bleu, không chỉ dừng lại ở hai studio xăm mình nổi tiếng tại London và Zurich, mà còn xuất bản một ấn phẩm tạp chí lifestyle cuốn hút, một thương hiệu streetwear và một creative agency. Nghệ thuật xăm mình của Maxime đã từng được nhiều ngôi sao cá tính “độc nhất” tin tưởng như Kanye West, Adam Lambert hay Keith Flint của nhóm nhạc The Prodigy kì quái.
Chia sẻ về phiên bản giới hạn Hublot Sang Bleu, Maxime Buchi tự sự: “Đối với tôi, Hublot và Sang Bleu như được sinh ra để hợp tác cùng nhau, bởi đôi bên đều chia sẻ những giá trị chung: đều khát khao được sáng tạo và trở nên khác biệt, dù trên mặt ý tưởng hay kĩ thuật, song vẫn giữ được chất lượng tuyệt hảo trong tác phẩm của mình.”
Sự hợp tác giữa Sang Bleu và Hublot tái hiện một cách tuyệt vời của chữ “Fusion” trong “Art of Fusion”, xây dựng cánh cầu kết nối các chất liệu, kỹ thuật tân tiến và thế giới đa văn hóa. Lấy cảm hứng từ bức họa huyền thoại “Vitruvian Man” của Leonardo Da Vinci, những đường thẳng đối xứng xen kẽ khối đa giác của Maxime Buchi đã mang lại cho Hublot Sang Bleu những ánh mắt trầm trồ trong giới sưu tập.
Maxime đã đưa ra nhiều thách thức cho Hublot: Hublot Sang Bleu cần một vòng bezel và mặt số hoàn toàn khác biệt nhưng nó vẫn phải là một chiếc Hublot Big Bang. Giải pháp đưa ra là một tuyệt tác về thẩm mỹ: sự tương phản giữa vòng bezel Big Bang và những bánh xe bát giác, trong đó kim giờ và kim phút nằm ở đỉnh các đĩa bát giác khác nhau và xoay tròn như những thước phim về khoa học của huyền thoại Leonardo Da Vinci. Tinh tế hơn nữa, đó là bộ font số trên mặt đồng hồ được thiết kế dành riêng cho Hublot bởi Sang Bleu, điều mà sẽ dễ dàng được trân trọng bởi những tay thiết kế đồ họa cừ khôi nhất, là “chi tiết nhỏ với tầm vóc lớn”, hợp nhất giữa Typography hiện đại và nghệ thuật chế tác đồng hồ.
Ngài Jean-Claude Biver, người đã mang triết lý “Art of Fusion” và mở ra cánh cửa vô hạn đến với Hublot đã từng nói: “Khác với công nghệ, nghệ thuật không bao giờ lỗi thời. Những bức tranh của Matisse hay Renoir có thể chưa chạm tới xúc cảm của thế hệ trẻ ngày nay, nhưng vẻ đẹp nghệ thuật đó là trường tồn”. Chính từ những bộ óc chiến lược đam mê nghệ thuật như vậy đã hình thành chiến dịch “Hublot Loves Art”, không chỉ truyền vào những chiếc đồng hồ Hublot sức sống vượt thời gian, mà còn đưa Hublot trở thành thương hiệu đầu tiên hợp tác cùng những nghệ sĩ đường phố, và cũng là thương hiệu duy nhất đang tiến những bước quan trọng trong việc mang nghệ thuật đương đại đến với ngành chế tác đồng hồ.