Hublot dẫn đầu cuộc chơi Sapphire – Biến điều không thể thành có thể
Vàng và thép đã gắn bó với nghành chế tác đồng hồ suốt hàng tram năm lịch sử, trong khi các lĩnh vực khác của cuộc sống đều đang không ngừng nghiên cứu và khai phá những chất liệu mới. Sapphire chính là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay, tuy đem lại niềm vui tận hưởng 360 độ cỗ máy cơ khí nhưng lại là đầu bài hóc búa cho những nhà làm đồng hồ đương đại.
Tinh thể Sapphire công nghiệp bắt đầu được giới thiệu và đưa vào ngành chế tác đồng hồ từ những năm 90 của thế kỉ 20, giúp các nghệ nhân có thể phô diễn nhiều hơn sự phức tạp của những cỗ máy lộ cơ.
Với những tín đồ đam mê đồng hồ, Nicholas Foulkes có lẽ không phải là cá tên xa lạ khi ông là nhà văn nổi tiếng với hơn 25 cuốn sách được xuất bản về chủ đề nghệ thuật và lịch sử, người chấp bút viết “hồi kí” cho những thương hiệu cây đa cây đề nhất của làng đồng hồ. Và tất nhiên Nick Foulkes cũng không thể bỏ qua chủ đề nóng bỏng mang tên Sapphire trong chế tác đồng hồ và đặc biệt là trường phái skeleton. Về cơ bản, thiết kế lộ cơ đòi hỏi nghệ nhân đồng hồ kiên nhẫn và tỉ mỉ loại bỏ nhiều nhất có thể lượng kim loại trên các chi tiết cỗ máy để chủ nhân có thể có thể thoả sức chiêm ngưỡng. Chính sự ra đời của vật liệu mới như Sapphire đã mở rộng khái niệm lộ cơ, không chỉ dừng ở việc gọt dũa những cỗ máy mà chính xác hơn là tối ưu hóa sự trong suốt của những chiếc đồng hồ, đầu tiên là mặt kính ốp lưng, rồi mặt đồng hồ chứa Tourbillon và bây giờ là toàn bộ lớp áo của đồng hồ.
Vậy tinh thể Sapphire là gì? Về cơ bản, đó là một hợp chất được hình thành bằng cáckết tinh Nhôm oxit ở nhiệt độ rất cao nhằm tạo ra một vật liệu trong suốt nhưng siêu cứng, chỉ đứng sau kim cương. Nói một cách khái quát hơn, đó là quá trình tái hiện lại những gì mà Trái Đất đã mất khoảng 400 triệu năm để thực hiện trong một phòng lab.
Tiếp theo, để tạo nên phần vỏ đồng hồ bằng sapphire hoàn toàn, các nghệ nhân phải mài và nghiền các chi tiết cấu tạo lên vỏ đồng hồ từ một khối sapphire siêu cứng. và siêu chống xước (điểm 9 trên thang điểm Mohs so với điểm 10 của kim cương). Công đoạn này chắc chắn là việc nói thì dễ hơn làm và chỉ có những công cụ kim cương mới có thể cắt được sapphire để tạo nên những hình khối cuối cùng. Quá trình này đắt đỏ ở các đòi hỏi về máy móc, toàn bộ các công cụ cắt bằng kim cương, tốc độ bị ăn mòn và phải thay mới các mũi cắt, rủi ro sai hỏng và phải làm lại từ đầu khiến không nhiều nhãn đồng hồ dám mạo hiểm dấn sâu hơn vào lãnh địa Sapphire. Đa phần họ dừng lại ở việc làm 1 chiếc Sapphire duy nhất để gây ấn tượng rồi sau đó kinh doanh các dòng thông thường, số lượng những thương hiệu có một bộ sưu tập Sapphire ấn tượng có lẽ chỉ chưa đầy những ngón tay trên một bàn tay. Còn ở khía cạnh những nhà sưu tầm đồng hồ cơ khí thì cỗ máy đồng hồ chính là những tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, nhu cầu thưởng thức những vũ điệu cơ khí này là chưa bao giờ nguội.
Hublot đã có niềm đam mê nghiên cứu các chất liệu siêu cứng từ nhà máy khép kín tại Nyon, nơi đã từng khai sinh ra Magic Gold, chất liệu vàng độc quyền có độ cứng và độ chống xước vượt trội so với vàng truyền thống. Những kiến thức lĩnh hội được trong quá trình chinh phục Magic Gold đã giúp Hublot làm chủ những cỗ máy đặc biệt và cắt laser các vật liệu siêu cứng, áp dụng lần lượt vào Ceramic và bây giờ là Sapphire.
Ngài Jean Claude Biver, Chủ tich của Hublot cho biết:”Sapphire cũng giống như Ceramic về độ cứng và khả năng chống xước cao, điều đó có nghĩa rằng chúng ra có thể sử dụng phương pháp tương tự, công cụ tương tự và thậm chí là con người tương tự để tạo ra Sapphire. Điểm khác biệt lớn nhất là Sapphire cần được đánh bóng như kim cương. Đó mới chính là sự khó khăn về mặt thực hiện và cả chi phí, vì việc đánh bóng, tùy thuộc vào độ phức tạp của phần vỏ đồng hồ, có thể tiêu tốn đến 50% giá trị của chiếc đồng hồ đó.”
Hublot LaFerrari MP05 Sapphire ra đời vào năm 2016 là thành quả của 18 tháng nghiên cứu và phát triển, một chiếc đồng hồ phức tạp cả về cỗ máy lẫn hình dáng phức tạp nhất cùng lời khẳng định: “Nếu chúng ta đã làm được chiếc vỏ này thì chúng ta có thể làm được bất kì một mẫu nào khác”. Mặc dù phải đối đầu với vô vàn khó khăn về cả thực hiện và chi phí nhưng CEO Ricardo Guadalupe của Hublot cho rằng việc tiếp tục khám phá Sapphire là cần thiết và quan trọng để tôn vinh những bộ máy được sản xuất khép kín, cũng chính vì vậy mà các mẫu sử dụng vỏ Sapphire không thể chứa đựng những cỗ máy bình thường về mặt cơ khí hoặc hoàn thiện.
Chiếc vỏ mang hình dáng đầu một con rắn hổ mang của MP-05 được thiết kế để khoe ra bộ máy chuyển động bên trong với 11 chi tiết barrel cùng cỗ máy Tourbillon được đặt theo chiều dọc tương tự như động cơ V12 của chiếc xe LaFerrari. Ở phiên bản bằng Sapphire, bộ máy chuyển động như được treo lơ lửng bên trong cái kén trong suốt với khó có thể nhận thấy bất kì công cụ hỗ trợ nào. Phần vỏ ở giữa là sự cấu thành của 7 bộ phận, tạo nên từ 7 khối sapphire bằng máy gia công 3D. Toàn bộ phần vỏ của chiếc LaFerrari với trọng lượng 53.5 gram đòi hỏi đến hơn 600 giờ gia công, đánh bóng và lắp ráp toàn bộ. Để hoàn thiện siêu phẩm này một cách tuyệt đối, Hublot cũng đồng thời sử dụng các chất liệu trong suốt cho hầu hết các xi lanh hiển thị, cùng với chiếc dây đeo từ silicon.
Thực tế thì việc tạo ra sapphire màu nhân tạo đã xuất hiện từ năm 1902 bởi nhà hóa học người Pháp Auguste Victor Louis Verneuil. Nung chảy sapphire là một công đoạn phức tạp và rủi ro vì quá trình kết tinh của sapphire luôn không ổn định, và rất khó để đạt được sapphire cùng màu, ngay cả khi sản xuất cùng 1 mẻ, chưa kể đến các vết nứt hoặc bong bóng hình thành trong quá trình kết tinh. Cho đến nay, vẫn chưa có khối sapphire màu nào quá 2 kilogram được tạo ra. Sau hơn 100 năm, Hublot đã chế ngự được quá trình này và tự tin với việc chế tạo các khối Sapphire trong suốt với màu sắc đồng nhất, áp dụng vào loạt bộ sưu tập Sapphire màu phong phú nhất hiện nay.
Hublot và quá trình chinh phục cũng như đánh cược vào Sapphire, ở cấp độ chế tác số lượng lớn, đều đặn, làm chủ kĩ thuật và thậm chí tạo ra các sắc màu phong phú cho chất liệu bí hiểm này thực sự là một điểm sang trong ngành đồng hồ đương đại. Art of Fusion, nghệ thuật sang tạo không ngừng các chất liệu của tương lai với truyền thống chế tác đồng hồ Thuỵ Sĩ không chỉ là câu slogan để quảng cáo mà thực sự là dòng chảy DNA của Hublot, thương hiệu phát triển nhanh nhất trong lịch sử ngành đồng hồ thế giới.