4 Mẫu đồng hồ lấy cảm hứng từ những chiếc siêu xe
Ý tưởng lấy ý tưởng của những chiếc siêu xe để đưa vào thiết kế và làm ra những mẫu đồng hồ là không hề đơn giản, nhưng nhờ vào những bộ óc sáng tạo không giới hạn thì những tuyệt tác đồng hồ đã được làm ra.
Không phải ai cũng biết đồng hồ và xe hơi có một mối liên quan chặt chẽ: hộp số của những chiếc xe hơi đầu tiên, những chiếc mà được sản xuất vào những năm 1915 – 1920 được lấy cảm hứng từ chính nguyên lý hoạt động siêu phức tạp của tính năng Split-Second Chronograph (tính năng bấm giờ thể thao đôi). Qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển, những “món đồ chơi” này của các quý ông dần dần được “hợp nhất” khi sự hợp tác đồng sản xuất giữa những thương hiệu đồng hồ và siêu xe ngày càng phổ biến. Hãy cùng điểm mặt một vài mẫu đồng hồ tiêu biểu cho những mối quan hệ hợp tác xa xỉ này.
Đồng hồ Hublot Techframe Ferrari Tourbillon Chronograph
Hublot và tượng đài trong thế giới siêu xe – Ferrari đã chính thức hợp tác với nhau từ năm 2012. Ham muốn mãnh liệt với những cải tiến, sáng tạo là sợi dây vô hình kết nối 2 ông lớn này, và đó cũng là tiền đề để họ tạo ra những sản phẩm hoàn toàn khác biệt, làm kinh ngạc giới mộ điệu, đơn cử như mẫu đồng hồ Hublot Big Bang Ferrari Magic Gold- chiếc đồng hồ đầu tiên trong lịch sử sở hữu lớp vỏ bằng hợp kim vàng với độ cứng vượt trội (lên tới 1000 Vickers, gần gấp đôi thép không gỉ) hay “siêu phẩm” Hublot MP-05 LaFerrari- mẫu đồng hồ Tourbillon lên dây cót bằng tay xác lập kỉ lục thế giới với bộ năng lượng dự trữ lên tới 50 ngày. Năm 2017, nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập Ferrari, cặp đôi này lại tiếp tục ra mắt 1 phiên bản đồng hồ độc đáo, mang tên Hublot Techframe Ferrari Tourbillon Chronograph.
Khác với những mẫu đồng hồ kết hợp trước đây giữa 2 thương hiệu, Hublot Techframe Ferrari không phải do đội ngũ kĩ sư của Hublot dựng nên, mà toàn bộ bản thảo đều thuộc về bộ phận thiết kế của Ferrari, đứng đầu là Giám đốc sáng tạo Flavio Manzoni. Chính vì thế, cấu tạo của phiên bản giới hạn 70 chiếc này vô cùng nhỏ gọn, dễ đeo và thoải mái nhưng vẫn năng động như một chiếc siêu xe.
“Sản-phẩm-không-phải-xe-hơi duy nhất do Ferrari thiết kế” mang trong mình không ít những đặc trưng của tượng đài này: thiết kế vỏ đồng hồ được đục rỗng như kiến trúc giàn khung như bộ đỡ của những siêu xe Ferrari để giảm trọng lượng nhưng vẫn giữ được tính chịu lực bền bỉ; logo Ferrari tại vị trí 9h trên mặt đồng hồ cùng logo Prancing Horse trên nút crown và mặt sau; màu đỏ đặc trưng của Ferrari trên nút bấm One Click và pusher của tính năng Chronograph…
Với Hublot, để biến được TechFrame thành hiện thực, thương hiệu phải điều chỉnh cỗ máy in-house thành Chronograph một nút bấm và đưa thêm Tourbillon vào cho tương xứng với thiết kế của Ferrari Team đã đặt ra, các thanh cầu vì thế cũng phải thích ứng với diện mạo mới. Tính năng Chronograph bị xoay chuyển khoảng 30 độ đưa núm pusher sang vị trí 3 giờ và nút crown sang vị trí 4 giờ. Bên cạnh đó, cỗ Tourbillon được đặt dưới một đĩa sapphire trong suốt, mang lại vẻ đẹp như của Flying Tourbillon nhưng vẫn giữ được sự ổn định của chi tiết Tourbillon cố định.
Hublot Techframe Ferrari nhận được vô số lời ngợi khen từ người hâm mộ, và vinh dự nhận được những giải thưởng cao quý như 2017 SIAR Award hạng mục Đồng hồ thể thao hay iF Design Award 2018 – giải thưởng được xét duyệt bởi 1 hội đồng gồm 63 chuyên gia quốc tế tại Hamburg, Đức.
Đồng hồ Parmigiani Fleurier Bugatti Type 390
Parmigiani Fleurier đã có một mối quan hệ bền lâu với Bugatti kể từ năm 2006, khi mẫu đồng hồ Type 370, lấy cảm hứng từ siêu xe Bugatti Veyron, được ra mắt. Mối quan hệ cộng tác này đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của thương hiệu đồng hồ mới được thành lập từ năm 1996 này. Kể từ đó, dòng sản phẩm Bugatti từ Parmigiani đã liên tục được mở rộng với những phiên bản khác nhau của mẫu Type 370, và gần đây, cùng với sự ra đời của người kế vị cho siêu xe Veyron – Bugatti Chiron tại Geneva Auto Show 2016, Parmigiani Fleurier cũng mang tới cho giới mộ điệu một mẫu đồng hồ với bộ máy có cấu trúc độc đáo nữa, mang tên Type 390.
Tương tự như người tiền nhiệm Type 370, Type 390 cũng là một mẫu đồng hồ được xếp vào phân loại đồng hồ dành cho những tay đua, nhờ thiết kế đồng hồ với cách đọc giờ không giống như những kiểu thông thường, nhưng lại cực kỳ phù hợp khi chủ nhân đặt tay lên vô lăng.
Vỏ đồng hồ Type 390 được chia thành 2 phần: phần nửa trên hình ống trụ nằm ngang và phần nửa dưới hình cái nêm. Nếu chỉ nhìn qua sẽ có nhiều người nhầm lẫn rằng bộ máy đồng hồ sẽ được trải đều trong lớp vỏ đồng hồ, nhưng thực sự thì hầu hết bộ chuyển động được đặt ở phần ống trụ phía trên. Từ phải qua trái là nút crown, sau đó là 2 barrels (giúp bộ máy sở hữu năng lượng dự trữ lên tới 80 tiếng), nối tiếp là hệ thống bánh răng chính và cuối cùng là chi tiết Flying Tourbillon.
Nửa dưới đồng hồ chỉ gồm những bánh răng chịu trách nhiệm di chuyển kim đồng hồ. Thông thường, thiết kế của bộ máy đồng hồ thường được đặt trên cùng một mặt phẳng, với các bánh răng được sắp xếp sao cho sự dịch chuyển của bánh răng này tác động lên cái khác. Tuy nhiên với thiết kế khác biệt của Type 390 (những bánh răng chính xoay trên một mặt phẳng, trong khi những bánh răng chịu trách nhiệm điều chỉnh kim đồng hồ nằm trên một mặt phẳng khác lệch 900), những nghệ nhân đồng hồ của Parmigiani Fleurier buộc phải sử dụng hệ thống khác – bộ bánh răng hành tinh. Type 390 có thể coi là mẫu đồng hồ đầu tiên trong lịch sử ngành đồng hồ có bộ chuyển động hoạt động hoàn toàn dựa vào hệ thống bánh răng độc đáo này.
Parmigiani nói rằng phần lớn các yêu cầu đặt hàng dành cho Type 390 đều kèm theo những tuỳ biến theo yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là những phiên bản Type 390 cho dòng xe Bugatti Chiron Sport – mẫu đồng hồ sở hữu lớp vỏ với 80 thành phần cấu tạo, và hầu hết đều có thể tuỳ chỉnh theo yêu cầu khách hàng. Điểm chung giữa mẫu Type 390 Bugatti Chiron Sport và siêu xe Chiron Sport chính là việc khi một chi tiết được tuỳ chỉnh, nhà sản xuất sẽ không bao giờ làm một mẫu với tuỳ chỉnh tương tự, vì vậy sẽ không bao giờ bạn gặp một mẫu đồng hồ hay một siêu xe trông giống hệt như chiếc của bạn.
Đồng hồ Richard Mille RM11-03 McLaren
Slogan của thương hiệu Richard Mille kể từ khi thành lập là “A racing machine on the wrist” (dịch: Cỗ xe đua trên cổ tay). Richard Mille giải thích rằng ông luôn tạo ra những chiếc đồng hồ giống với cách những đội đua F1 tạo ra những chiếc xe đua. Chính vì vậy, việc thương hiệu đồng hồ siêu xa xỉ này kết hợp cùng một thương hiệu siêu xe không có gì là quá lạ lẫm. Richard Mille hiện nay là đối tác với một trong những đội đua thành công nhất trong lịch sử ngành thể thao cường độ cao: McLaren. Mối quan hệ bắt đầu bằng một hợp đồng hợp tác 10 năm chưa từng có tiền lệ được thông báo tới giới mộ điệu năm 2016 giữa Richard Mille và phân nhánh McLaren Formula 1, và cuối năm ngoái, 2017, tiếp tục được mở rộng sang McLaren Automotive với mục đích kết hợp lợi ích chung của hai công ty trong những thiết kế độc nhất, ứng dụng vật liệu mới và công nghệ thủ công hiện đại.
“Đứa con” đầu tiên của mối quan hệ hợp tác này là mẫu đồng hồ Richard Mille RM11-03 McLaren, được giới thiệu tại Geneva Motor Show 2018 tháng 3 vừa qua. Dự án RM11-03 McLaren được đồng chỉ đạo bởi Giám Đốc Thiết Kế Rob Melville của McLaren và Kỹ Sư Fabrice Namura của Richard Mille bắt đầu ngay khi hai thương hiệu lớn quyết định bắt tay hợp tác.
Vỏ của RM 11-03 được chế tạo từ Carbon TPT® đan chéo với Quartz TPT® màu cam, tạo thành một hợp chất không chỉ rất nhẹ mà còn chịu lực tác động rất lớn, đồng thời tôn vinh màu cam đặc trưng của McLaren. Chất liệu Carbon TPT® tăng cường khả năng hoạt động cơ học của chiếc RM 11-03 và bảo vệ cỗ máy trước những điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất.
Những nút bấm bằng Titanium nằm trong tổng thể Carbon TPT® mô phỏng thiết kế đèn pha đôc đáo của chiếc McLaren 720S. Viền số Titanium có logo hãng xe được làm tương tự dáng chiếc ống thông hơi đặc trưng của một cỗ đua F1. Chốt crown bằng titanium cấp 5 được tạo cảm hứng từ chiếc bánh xe cỡ nhẹ của McLaren. Và Logo Speedmark của McLaren cũng được in trên mặt dây cao su của phiên bản đồng hồ đặc biệt này.
Richard Mille RM 11-03 McLaren sử dụng cỗ máy RMAC3, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2016, với chức năng bấm giờ flyback lúc nào cũng sẵn sàng cho những cuộc đốt cháy mặt đường. Chức năng flyback, lập tức thiết lập các bộ đếm về số 0, cho phép nhanh chóng khởi động lại bộ đếm ngược. Năng lượng của bộ máy được tích tụ bởi hai bánh cót đặt song song và một bộ bánh cân bằng với quán tính biến thiên; tổng năng lượng dự trữ lên đến 55 giờ, trong đó, rotor lên cót có thể được điều chỉnh để phù hợp với mức độ vận động của người đeo. Thêm một minh chứng cho sự tỉ mỉ đến từng chi tiết của Richard Mille. Việc khung gầm xe đua luôn luôn có sức cản mô-men xoắn cực lớn trong khi vẫn phải nhẹ tối đa trở thành cảm hứng cho đĩa đệm và cầu nối bằng Titanium phủ PVD của chiếc RM 11-03, đảm bảo độ cứng cần thiết và hoạt động hoàn hảo của những bánh răng truyền động. Bề mặt hoàn thiện kiểu satin mịn trên Titanium nhấn mạnh chiều sâu của bộ máy, tạo hiệu ứng trực quan mạnh mẽ ấn tượng quanh phần hiển thị lịch thường niên, ngày khổ lớn và các bộ đếm giờ.
Quyền mua phiên bản giới hạn này sẽ được ưu tiên cho chủ nhân dòng xe McLaren Ultimate thông qua các cửa hàng chính hãng của Richard Mille. Những khách hàng đặc biệt này còn có thể chọn số series của đồng hồ giống với số máy từ 1 đến 500 của chiếc xe McLaren Ultimate họ sở hữu.
Đồng hồ Roger Dubuis Excalibur Aventador S
Roger Dubuis và Lamborghini đều là những thương hiệu xa xỉ không phải dành cho tất cả mọi người, tuy nhiên họ lại sở hữu một số lượng khách hàng chung không ít. CEO của Roger Dubuis – ngài Jean-Marc Pontroue từng nói rằng ông có ý tưởng làm một thứ gì đó cùng Lamborghini khi những khách hàng của ông liên tục nhắc tới tên của hãng siêu xe này khi được hỏi về thứ mà họ quan tâm bên cạnh đồng hồ. Đến năm 2017, hai thương hiệu đề cao sự quý hiếm (mỗi hãng chỉ sản xuất 3500 – 4000 sản phẩm/năm) chính thức bắt tay, và cho ra mắt mẫu đồng hồ hợp tác đầu tiên, mang tên gọi của 2 dòng sản phẩm biểu tượng của 2 thương hiệu – Roger Dubuis Excalibur Aventador S.
Roger Dubuis Excalibur Aventador S được trang bị một lớp vỏ đồng hồ bằng sợi Carbon. Mỗi khi nhắc đến vật liệu sợi Carbon trên những chiếc đồng hồ, người ta lại nghĩ ngay tới việc nó được lấy cảm hứng từ những cỗ xe đua thể thao. Và trong thế giới siêu xe, Lamborghini được biết tới là thương hiệu đã ứng dụng vật liệu này để chế tạo khung gầm xe nhiều năm nay, và đã khẳng định vị thế như một trong những hãng đi đầu về vật liệu này trong phân khúc của mình. Ngày nay, thương hiệu siêu xe có trụ sở tại Bologna này đã có đủ nguồn lực để tự chế tạo sợi carbon và xuất xưởng cho nhiều công ty khác. Vỏ đồng hồ của mẫu đồng hồ đặc biệt này sở hữu đường kính 45mm, tuy nhiên nhờ bộ khung chế tác từ sợi carbon, nó mang lại cảm giác rất nhẹ trên cổ tay. Trọng lượng của chiếc đồng hồ lại càng được tinh giảm thông qua việc đục rỗng phần tai đồng hồ.
Bộ chuyển động của những mẫu đồng hồ giới hạn này hoàn toàn mới, một tín hiệu cho thấy Roger Dubuis đủ nghiêm túc trong mối quan hệ hợp tác này để đầu tư nguồn lực nghiên cứu và phát triển thật sự. Duotor RD 103SQ là một bộ chuyển động skeleton được sắp xếp tương tự như bộ máy của siêu xe Aventador S, điều chỉnh bởi hai lò xo cân bằng nằm nghiêng và sở hữu cơ chế Deadbeat seconds – một tính năng phức tạp dành cho những người thực sự đam mê đồng hồ, nhưng dễ bị nhầm lẫn với những thứ đơn giản hơn (ví dụ như trong bộ chuyển động Quartz). Hai lò xo cân bằng bổ trợ lẫn nhau, nhờ vậy đem lại sự chính xác tuyệt vời hơn cho bộ máy đồng hồ: Roger Dubuis nói rằng bộ máy đồng hồ dao động ở tần số 57,600 vph – một con số đáng ngạc dành cho những tín đồ đồng hồ. Bên cạnh đó, tương tự như tất cả những chiếc đồng hồ Roger Dubuis từng chế tác, mẫu đồng hồ này cũng được đóng Geneva Seal.
Nguồn Sưu tầm